Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong lĩnh vực công - một lĩnh vực có tính xã hội cao, qua đó góp phần phát triển TTKDTM và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho nền kinh tế với chi phí hợp lý và dịch vụ đáng tin cậy. Trong thời gian qua, để bắt kịp xu thế chung, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong triển khai thực hiện đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: thuế, điện, học phí, viện phí và các chương trình an sinh xã hội.
Trong thời gian qua, với vai trò chù trì tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện triển khai Quyết định số 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí, và chi trả chương trình an sinh xã hội; Quyết định số 923/QĐ-NHNN ngày 09/05/2018 của NHNN Việt Nam về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí, và chi trả chương trình an sinh xã hội trên địa bàn, Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh và các sở, ban, ngành trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, UBND tỉnh liên quan đến đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công nói riêng.
Trong thực hiện, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh (NHNN tỉnh) đã kịp thời xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn để thực hiện, phối hợp chặt chẽ với Kho Bạc Nhà nước, Cục thuế Tỉnh, Hải quan, Công ty Điện lực, Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh, BHXH tỉnh, bệnh viện, trường học,.… trong việc thỏa thuận và ký kết các hợp đồng liên kết thanh toán qua ngân hàng để phát triển TTKDTM.
Trên địa bàn Hà Tĩnh, hiện nay hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ đã được cải thiện, số lượng máy rút tiền tự động (ATM) và máy bán chấp nhận thẻ ngân hàng (POS) có tốc độ tăng trưởng nhanh, số lượng máy ATM trên địa bàn đến 30/10/2020 là 162 máy (trong đó trên địa bàn thành phố 60 máy, còn lại trên địa bàn các huyện, xã); máy POS 817 máy; Chất lượng dịch vụ cũng được nâng cao đã tạo điều kiện cho thanh toán KDTM phát triển. Đối với việc thực hiện phối hợp giữa các NHTM trên địa bàn với với Cục Thuế Hà Tĩnh, Cục Hải Quan Hà Tĩnh và Kho Bạc Nhà nước Hà Tĩnh (bao gồm các Chi cục, kho bạc cấp huyện), hướng dẫn khách hàng đăng ký nộp thuế điện tử để triển khai, áp dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phục vụ thu thuế trên phạm vi địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử ngày càng tăng (đến tháng 10/2020 có 4.382 DN nộp thuế thông qua dịch vụ Thuế điện tử). Đối với hoạt động thu tiền điện, Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã thực hiện ký kết hợp đồng dịch vụ 20 đối tác thu tiền điện, trong đó có 11 Ngân hàng và 9 tổ chức trung gian, đến tháng 10/2020 đã có 152.847 khách hàng TTKDTM tiền điện (đạt tỷ lệ 33,88%, năm 2018 đạt 27%). Để thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán tiền nước không sử dụng tiền mặt thông qua các đơn vị thu hộ, Công ty Cấp nước Hà Tĩnh đã ký kết hợp tác với 09 ngân hàng và 02 đơn vị trung gian thu hộ, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền nước qua ngân hàng đạt 23,21% (năm 2019 chỉ đạt 7,4%). Đối với dịch vụ thanh toán tiền học phí, gần 90% cơ sở giáo dục mở tài khoản tại NHTM để thu phí, 100% trường trung học phổ thông sử dụng phần mềm để thu phí qua môi trường mạng. Về thanh toán viện phí, đến nay có 8/12 đơn vị khám chữa bệnh thuộc Sở Y tế tỉnh triển khai chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng, nhưng mới có 03 đơn vị có người bệnh thực hiện thanh toán viện phí qua tài khoản ngân hàng với tổng số 645 lượt bệnh nhân. Đối với chi trả lương cho CCVC và người lao động đóng BHXH thuộc BHXH tỉnh Hà Tĩnh: 100% CCVC và người lao động thực hiện mở tài khoản cá nhân để thực hiện thanh toán tiền lương và các chế độ liên quan; thực hiện chi trả qua ATM cho 9.907 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng (đạt tỷ lệ 13,9%), cho 4.442 người hưởng BHXH một lần (đạt tỷ lệ 47,7%), cho 5.368 người hưởng trợ cấp thất nghiệp (đạt tỷ lệ 91,2%).
Mặc dù cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử ngày càng được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên việc thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công vẫn còn khiêm tốn, phạm vi triển khai chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp hoặc tại các thành phố, thị xã nơi có điều kiện kinh tế phát triển và còn gặp một số khó khăn sau:
Thứ nhất, nhận thức của người dân về những tiện ích của TTKDTM còn rất hạn chế, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi xa trung tâm công nghệ. Trong khi thời gian gần đây tình hình tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao và trong hoạt động thanh toán thẻ diễn biến phức tạp do đó phần nào làm tăng tâm lý e sợ trong cư dân.
Thứ hai, Việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch của người dân do thói quen dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, tâm lý e ngại sử dụng các dịch vụ ngân hàng nên gây khó khăn trong việc tuyên truyền khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ thanh toán dịch vụ công và chi trả ASXH thông qua hình thức như ATM, POS, trích tiền tự động, các dịch vụ ngân hàng hiện đại (Mobile Banking, Internet Banking,…) đặc biệt là địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Thứ ba, hầu hết các đơn vị cung ứng dịch vụ công có nguồn thu lớn đều đóng tại Thành phố Hà Tĩnh. Vì vậy việc phát triển thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công ở một số chi nhánh ngân hàng ở xa thành phố phải phụ thuộc vào đơn vị cấp huyện/thị xã nên có phần còn hạn chế.
Thứ tư, Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng phần lớn đều tuổi cao, già yếu, không thuận lợi trong việc thực hiện các thao tác để rút tiền qua ATM, do đó công tác tuyên truyền vận động người hưởng nhận các chế độ BHXH qua thẻ ATM chưa được nhiều người hưởng ứng. Một số lượng khách hàng tại địa bàn nông thôn, xa trung tâm, điều kiện kinh tế thấp, khả năng tiếp cận và sử dụng thẻ, các dịch vụ của ngân hàng còn hạn chế, còn chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng nên việc thanh toán tiền học phí, tiền điện, nước, viên phí thấp. Bên cạnh đó, số lượng máy ATM được hệ thống ngân hàng cung cấp trên địa bàn toàn tỉnh chủ yếu lắp đặt tại địa bàn trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn do đó chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng tại các vùng nông thôn, xa khu vực trung tâm.
Thứ năm, Có nghịch lý trong việc phát hành thẻ, bởi phát hành thẻ cần phải song hành với phát triển hạ tầng thanh toán rộng khắp, các ngân hàng đẩy mạnh phát hành thẻ tuy nhiên số lượng các điểm chấp nhận thẻ còn rất hạn chế, đặc biệt là vùng nông thôn, vì vậy thẻ đang được dùng để làm phương tiện rút tiền mặt hơn là để thay tiền mặt khi thanh toán tiêu dùng.
Thứ sáu, Hiện nay, mỗi giao dịch TTKDTM qua ngân hàng đều mất một khoản phí, gây tâm lý tính toán thiệt hơn cho người sử dụng. Thực tế hiện nay, nếu khách hàng rút tiền từ máy ATM và mang tiền mặt đi thanh toán trực tiếp, thì chỉ mất 01 lần phí rút tiền mặt mà không mất thêm một khoản phí nào nữa, nhưng nếu khách hàng sử dụng tiền đó trong tài khoản để TTKDTM đối với nhiều giao dịch nhỏ, thì mỗi giao dịch ấy đều phải chịu phí và có thể mức phí cao hơn phí rút tiền mặt.
Nhằm góp phần thúc đẩy TTKDTM đối với dịch vụ công tại Hà Tĩnh trong thời gian tới, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp sau:
(i) Chỉ đạo các NHTM tăng cường các hoạt động giới thiệu, hướng dẫn khách hàng mở tài khoản, giao dịch thanh toán qua các phương tiện điện tử, nhất là khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
(ii) Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông đồng bộ và có hiệu quả trong việc phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán trong nền kinh tế, thúc đẩy các hình thức TTKDTM.
(iii) Khuyến khích các ngân hàng cung cấp tài khoản thanh toán không chịu phí duy trì tài khoản và số dư tài khoản tối thiểu, liên kết với thẻ ATM cho người về hưu, người hưởng trợ cấp xã hội, người ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, học sinh, sinh viên để sử dụng các dịch vụ gửi tiền, rút tiền, chuyển tiền giá trị nhỏ, nhận lương hưu, trợ cấp xã hội và thanh toán hóa đơn dịch vụ tiện ích.
(iv) Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại vào hoạt động thanh toán; cập nhật và áp dụng các biện pháp tiên tiến bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán, các sản phẩm dịch vụ thanh toán.
(v) Các NHTM có các chính sách nhằm khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức khác đẩy mạnh thanh toán các hóa đơn định kỳ (điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí) bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng.
(vi) Đẩy mạnh phát triển mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tiếp tục sắp xếp, phát triển hợp lý mạng lưới ATM và POS trên địa bàn./.