Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, triển khai Nghị quyết 63/NQ-CP, nhằm chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ là vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, với tinh thần nỗ lực, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp như: giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ; miễn, giảm một số loại phí giao dịch thanh toán… để hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra.
Ngân hàng cũng là doanh nghiệp và không nằm ngoài ảnh hưởng tiêu cực tư dịch Covid-19 (khi nguy cơ nợ xấu tăng…). Nhưng với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, người dân, ngành Ngân hàng kịp thời có những chính sách và vào cuộc tích cực để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0, giảm thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng vốn là huyết mạch của nền kinh tế, ngân hàng có vững mạnh thì càng có cơ sở và nền tảng để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua đại dịch.
Các chính sách, giải pháp nổi bật mà ngành ngân hàng đã triển khai thực hiện trong thời gian qua:
- Chính sách lãi suất: Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 03 lần giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn 1,5-2,0%/năm. Những tháng đầu năm 2021, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Hưởng ứng lời kêu gọi từ NHNN, Hiệp hội Ngân hàng, 16 Ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp đã có kế hoạch điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và lãi suất cho vay đối với một số khoản vay mới chuẩn bị giải ngân, ước tính giảm lãi suất cho vay từ 15/7 đến cuối năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng là 20.372,307 tỷ đồng.
- Thông tư 01/2020/TT-NHNN ban hành ngày 13/3/2020, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 và Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 với những giải pháp có tính đột phá, chưa từng có tiền lệ. Đây là cơ sở pháp lý giúp các TCTD triển khai các giải pháp hỗ trợ kịp thời khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
- Tái cấp vốn cho NHCSXH để NHCSXH cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc đối với người lao động: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 (đã được sửa đổi, bổ sung) và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 (đã được sửa đổi, sung), NHNN đã tái cấp vốn đối với NHCSXH để NHCSXH cho người sử dụng lao đọng vay trả lương ngừng việc đối với người lao động.
Hiện nay, NHNN đang thực hiện tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng đối với NHCSXH để NHCSXH cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 21/7/2021.
- Tái cấp vốn cho NHTM cho VNA vay: Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN ban hành quy định về tái cấp vốn đối với TCTD sau khi TCTD cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) vay và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của VNA do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
- Miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán: NHNN đã 3 lần thực hiện giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng cho các TCTD với tổng số phí giảm là 471 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, Napas và các TCTD đã 03 lần thực hiện giảm phí giao dịch thanh toán điện tử cho khách hàng. Ước tính tổng số phí mà các TCTD giảm cho khách hàng trong năm 2020 khoảng 1.004 tỷ đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, NHNN đã 02 lần chỉ đạo tới các TCTD và Napas thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân như: thực hiện miễn phí chuyển tiền ủng hộ Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 và nghiên cứu, chỉnh sửa ứng dụng và tạo mã QR cho phép khách hàng dễ nhận biết và thao tác, thực hiện chuyển tiền ủng hộ Quỹ vắc-xin một cách nhanh chóng, thuận tiện; có các văn bản chỉ đạo, định hướng đối với Napas về việc tiếp tục giảm phí chuyển mạch năm 2021 và yêu cầu TCTD áp dụng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán với thời gian thực hiện tối thiểu từ 01/8/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
- Công tác an sinh xã hội và phòng chống Covid-19: Với tinh thần tương thân tương ái, ngành ngân hàng luôn đi đầu trong công tác an sinh xã hội, đồng hành, chia sẻ với khó khăn của người dân, doanh nghiệp trước tác động của dịch Covid-19. Từ đầu năm 2020 đến nay, tổng an sinh xã hội toàn ngành khoảng 4.085,9 tỷ đồng, trong đó ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 là 1.968,9 tỷ đồng, riêng ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 là 774,9 tỷ đồng.
Một số kết quả nổi bật của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh trong thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19:
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh đã chỉ đạo các TCTD thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các biện pháp phòng, chống dịch và thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt là các giái pháp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN; Thông tư 03/2021/TT-NHNN; Thông tư 14/2021/TT-NHNN. Từ ngày 13/3/2020 đến 31/7/2021, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ là 783,53 tỷ đồng cho 949 khách hàng; miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị là 239,19 tỷ đồng cho 264 khách hàng, số tiền lãi được miễn, giảm là 1.034 triệu đồng; Cho vay mới (lãi suất thấp hơn so với trước khi có dịch từ 0,5% - 1,5%/năm) với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến 31/7/2021 đạt 48.446,99 tỷ đồng. Đến 31/8/2021, thực hiện hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho 81.387 khách hàng với số dư nợ 31.995 tỷ đồng, số tiền lãi được hạ 90,88 tỷ đồng.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện giải ngân cho 05 doanh nghiệp trên địa bàn để trả lương ngừng việc cho người lao động theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, quyết định 32/2020/QĐ-TTg với doanh số cho vay đạt 837 triệu đồng. Hiện nay đã thực hiện giải ngân cho 04 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg với doanh số cho vay đạt: 2.416,05 triệu đồng.
Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh góp phần chia sẻ khó khăn người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị hoạt động an sinh xã hội là 191,98 tỷ đồng, trong đó ủng hộ các hoạt động liên quan đến Covid-19 số tiền 19,04 tỷ đồng./.