Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có Quyết định số 1284/QĐ-NHNN về việc ban hành chương trình hành động của ngành Ngân hàng 6 tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 triển khai Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững năm 2021. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước xây dựng khung chương trình hành động gồm 8 nội dung chính dự kiến triển khai theo lộ trình từ nay đến cuối năm 2021.
Đặc biệt, ngay trong tháng 7/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo có giải pháp cụ thể để hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục giảm lãi suất cho vay, góp phần hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; Hiệp hội ngân hàng vận động các TCTD hội viên và tổ chức lễ ký kết, thỏa thuận về việc đồng thuận giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới của khách hàng; Ban hành Thông tư hướng dẫn và cho Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) vay tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng, lãi suất 0% thời hạn cấp vốn dưới 12 tháng và không có tài sản đảm bảo để cho người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Hướng dẫn và triển khai trong toàn hệ thống NHCSXH thực hiện chính sách cho vay trả lương ngừng việc, cho vay trả lương phục hồi sản xuất.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giao cho các đơn vị liên quan rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, ưu tiên các TCTD có kết quả tích cực trong miễn, giảm, hạ lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, có giải pháp cụ thể để hệ thống TCTD tiếp tục giảm lãi suất cho vay, góp phần hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục điều hành các giải pháp kiểm soát quy mô tăng trưởng tín dụng của hệ thống gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng của nền kinh tế; chỉ đạo TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù cho ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN./.