Chiều 27/7 Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị chuyên đề QTDND để đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 và triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” ban hành kèm theo Quyết định 689/TT-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Trung, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc cùng các đồng chí trong BGĐ NHNN tỉnh, Trưởng các phòng ban, Thanh tra, giám sát NHNN tỉnh; Các đồng chí là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, kiểm soát trưởng của 32 QTDND trên địa bàn.
Toàn cảnh Hội nghị
Đến thời điểm 30/6/2022, toàn địa bàn có 32 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) hoạt động trên 62 xã, phường, thị trấn, với 57.426 thành viên (bình quân 1.794 thành viên/quỹ). Tổng nguồn vốn của các QTDND là 4.557.229 triệu đồng tăng 199.744 triệu đồng, tăng 4,58% so với đầu năm; tổng dư nợ đạt 4.088.376 triệu đồng, tăng 4,48% so với tổng dư nợ đầu năm; Nợ xấu chiếm 0,08% so với tổng dư nợ. Hoạt động QTDND ổn định; các chỉ tiêu cơ bản đều tăng trưởng; tổ chức, bộ máy tương đối ổn định và cơ bản đáp ứng yêu cầu; nợ xấu chiếm tỷ lệ thấp; công tác phát triển, thành viên tiếp tục được quan tâm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc, hệ thống công nghệ thông tin được các QTDND từng bước hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và đảm bảo an toàn trong hoạt động. Các QTDND phát huy được ưu thế trong công tác huy động vốn, cho vay trên địa bàn hoạt động; uy tín của QTDND tiếp tục được củng cố, được lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ và nhân dân tin tưởng.
Với kết quả đạt được hoạt động của hệ thống QTDND thời gian quan đã từng bước khẳng định vai trò vị trí của loại hình tổ chức tín dụng “gần dân, sát dân” là kênh dẫn vốn hiệu quả, đã phát huy được ưu thế trong công tác huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư để cho vay, tương trợ cộng đồng vì sự phát triển bền vững. Về cơ bản, các QTDND hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; hoạt động của QTDND cơ bản là an toàn, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương và hạn chế “tín dụng đen”.
Trên tinh thần thẳng thắn, Hội nghị đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cũng như những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các Qũy trên địa bàn để từ đó có các giải pháp nhằm đưa hệ thống QTDND trên địa bàn hoạt động đảm bảo an toàn, bền vững, hiệu quả trong thời gian tới. Hội nghị cũng được nghe 09 ý kiến phát biểu của các QTDND trên địa bàn, các ý kiến tập trung vào những tồn tại, những khó khăn trong hoạt động của QTDND trong thời gian qua, chia sẽ những kinh nghiệm trong lãnh đạo chỉ đạo điều hành, trong công tác huy động vốn và cho vay…
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Trung, Giám đốc NHNN tỉnh yêu cầu Thanh tra, giám sát chi nhánh tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống QTDND; bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để triển khai chỉ đạo; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có); phối hợp với các cấp, ngành, cấp ủy chính quyền địa phương để giải quyết các khó khăn, vướng mắc tại quỹ. Yêu cầu các QTDND bám sát các nhiệm vụ mà hội nghị đã đề ra. Bên cạnh đó, cần lưu ý các QTD thực hiện một số nội dung sau: (i) thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo nghiệp vụ của NHNN Việt Nam và chế độ thông tin báo cáo theo quy định; (ii) phải đặt vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động lên hàng đầu: Tăng cường cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo an ninh; đảm bảo an toàn trong quy trình kho quỹ, kế toán, trong giao nhận, vận chuyển, bảo quản, sử dụng tài sản và các ấn chỉ quan trọng; trong quy trình nghiệp vụ, cán bộ QTD cần thẩm định kỹ, lãnh đạo các QTD cần kiểm soát kỹ hồ sơ, chứng từ trước khi ký duyệt; đảm bảo các chỉ tiêu về tỷ lệ an toàn trong hoạt động. (iii) Xây dựng mối đoàn kết nội bộ, sớm phát hiện các dấu hiệu của sự mất đoàn kết trong nội bộ để kịp thời có các biện pháp chấn chỉnh. (iv) Thực hiện chế độ báo cáo, thỉnh thị và tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Quỹ. (v) xây dựng Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 để triển khai có hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 689/TT-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ”./.