Ngày 28/6/2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng đã ký Quyết định số 1097/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2022.
Ảnh: Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề ra 06 mục tiêu phát triển chính phủ số, gồm: cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đáp ứng yêu cầu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phát sinh hồ sơ đạt 80%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 100%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%; tỷ lệ báo cáo định kỳ của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện trực tuyến đạt 50%; tỷ lệ đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước cung cấp dữ liệu mở đầy đủ theo danh mục đạt 50%. Ngoài ra, mục tiêu phát triển kinh tế số và xã hội số trong năm 2022 là tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng và các tổ chức được phép khác đạt từ 65-70%.
Kế hoạch đã đề ra 8 nhiệm vụ chính và 5 giải pháp thực hiện. Cụ thể:
Hoàn thiện thể chế: Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; Rà soát, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0 của Ngân hàng Nhà nước phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 được ban hành tại Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;
Phát triển chính phủ số: Thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; thực hiện kết nối Cổng thông tin điện tử, Cổng Dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống một cửa điện tử với Hệ thống đánh giá chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp của Cổng DVC Quốc gia, Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ chính phủ số để đánh giá, đo lường, công bố trực tuyến, mức độ, chất lượng cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử để cung cấp dịch vụ công trực tuyến; thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa của Ngân hàng Nhà nước; hệ thống thông tin báo cáo của Ngân hàng Nhà nước bảo đảm kết nối, tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; thí điểm triển khai Trợ lý ảo để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao hiệu quả và năng suất lao động;
Thanh toán số: Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thúc đẩy triển khai thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt. Đẩy nhanh quá trình phổ cập thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt theo hướng thuận tiện, dễ dàng và an toàn hơn;
Phát triển, sử dụng nền tảng số: Xây dựng và ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng thúc đẩy sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; xây dựng và ban hành Kế hoạch sử dụng hoặc dịch chuyển lên nền tảng điện toán đám mây, trong đó chú trọng tới việc rà soát, đánh giá, bảo đảm trung tâm dữ liệu và nền tảng, dịch vụ điện toán đám mây phục vụ chính phủ số, chính quyền số tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh mạng; thực hiện việc chuyển đổi IPv6;
Phát triển dữ liệu số: Rà soát, công bố danh mục dữ liệu mở, danh mục dữ liệu chia sẻ theo hình thức chia sẻ dữ liệu mặc định; công bố công khai danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung để hệ thống hóa tài nguyên dữ liệu, tăng cường quản trị, nâng cao chất lượng dữ liệu và thúc đẩy chia sẽ dữ liệu; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa NHNN với các cơ quan nhà nước khác thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẽ dữ liệu quốc gia (NDXP); tiếp tục hoàn thiền Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp của NHNN;
An toàn thông tin mạng và an ninh mạng: tổ chức triển khai đầy đủ 4 giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng; tổ chức phân loại, xác định, phê duyệt đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin và phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ phù hợp với quy định của pháp luật; phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị hạ tầng, các điều kiện đáp ứng yêu cầu về an toàn thông tin, an ninh mạng để kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
Nhân lực số, kỹ năng số, công dân số và văn hóa số: Xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai Kế hoạch đào tạo, bổi dưỡng hàng năm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý, trong đó bao gồm các nội dung về chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số;
Doanh nghiệp số: Xây dựng và ban hành Chương trình xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số của ngành Ngân hàng để triển khai Quyết định số 1970/QĐ-BTTTT ngày 13/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Giải pháp tổ chức bộ máy: Tổ chức hiệu quả hoạt động Ban chỉ đạo và Tổ công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng; tổ chức, phân công các đơn vị là đầu mối chủ trì, chịu trách nhiệm triển khai, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia;
Giải pháp hợp tác nghiên cứu: hợp tác giữa NHNN và doanh nghiệp phát triển nền tảng số trong việc nghiên cứu, phát triển, sử dụng các nền tảng số xuất sắc, chất lượng cao; ưu tiên sử dụng các dịch vụ phần mềm đã được chuẩn hóa sử dụng cho phát triển chính phủ điện tử tại các Bộ, ngành để xây dựng chính phủ điện tử tại NHNN; tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ số cho ngành Ngân hàng;
Giải pháp tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức: tổ chức cá diễn đàn, hội nghị, hội thảo, các sự kiện, triển lãm về chuyển đổi số của ngành Ngân hàng; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm về các nội dung, mô hình chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương; tổ chức phổ biến, quán triệt tới toàn bộ các tổ chức, cá nhân liên quan về quản lý duy trì, cập nhật và tuân thủ Kiến thức Chính phủ điện tử; về việc tăng cường quản lý đầu tư, bảo đảm hiệu quả khi ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ số; về việc cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật; về hai nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh mạng;
Giải pháp đo lường, giám sát triển khai: thực hiện đo lường, đánh giá, công bố xếp hạng mức độ phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, chuyển đổi số đối với các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý.
Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước chủ động tổ chức triển khai Kế hoạch trên cơ sở, chức năng, nhiệm vụ được giao và hằng quý báo cáo kết quả thực hiện./.