Ngày 02/8/2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh đã ký Quyết định số 1382/QĐ-NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.
Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng bám sát quan điểm, định hướng, mục tiêu, giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”; nêu cao tinh thần chủ động, nỗ lực của từng đơn vị và sự hợp tác, phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài ngành Ngân hàng để quyết tâm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Kế hoạch đã đề ra 05 nhóm giải pháp:
Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Thứ hai, các giải pháp hỗ trợ, gồm: giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ; tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ thanh tra, giám sát ngân hàng; giải pháp về công tác truyền thông.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Cụ thể:
Nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động, quản trị kinh doanh, tính minh bạch trong hoạt động của tổ chức tín dụng;
Hiện đại hóa ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh trạnh;
Phát triển mô hình ngân hàng số, triển khai có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt;
Tiếp tục áp dụng và triển khai Basel II;
Phát triển mạng lưới các tổ chức tín dụng;
Nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng; thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, đầu tư vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các-bon;
Phát triển hoạt động dịch vụ phi tín dụng.
Thứ tư, xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng; nâng cao năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của công ty quản lý tài sản VAMC.
Thứ năm, giải pháp theo từng nhóm/khối các tổ chức tín dụng: các ngân hàng thương mại do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (không bao gồm các ngân hàng mua bắt buộc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; các ngân hàng thương mại mua bắt buộc; các ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính; Ngân hàng Hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô; các ngân hàng nước ngoài.
Ban Chỉ đạo ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” sẽ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiện toàn, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo. Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản (VAMC) có trách nhiệm tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động./.