KHAI QUÁT LỊCH SỬ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH NGÂN HÀNG VIỆT NAM VÀ NGÀNH NGÂN HÀNG HÀ TĨNH
Phần thứ nhất
NHŨNG MỐC SON LỊCH SỬ CỦA NGÀNH NGÂN HÀNG VIỆT NAM
Từ một nước thuộc địa không có chủ quyền về tiền tệ, ngay sau khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Nhà nước ta đã từng bước thiết lập được một nền tiền tệ và một hệ thống Ngân hàng độc lập với những bước đi phù hợp sáng tạo.
Tháng 12/1945 Nhà nước cho phát hành đồng bạc Việt Nam đầu tiên được nhân dân ta hưởng ứng và hoan nghênh, gọi là “Tờ giấy bạc cụ Hồ”. Sự ra đời của đồng tiền cách mạng đã góp phần quan trọng trong quá trình đấu tranh với địch trên mặt trận tiền tệ, phát triển sản xuất và lưu thông hàng hoá, ổn định giá cả, đồng thời đảm bảo cho chi tiêu ngân sách.
Ngày 3/2/1947 tổ chức tín dụng đầu tiên của Việt Nam: Nha tín dụng sản xuất được thành lập nhằm “giúp vốn cho nhân dân phát triển sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời hạn chế cho vay nặng lãi ở nông thôn và làm hậu thuẫn cho chính sách giảm tức và hướng dẫn nhân dân đi vào con đường làm ăn tập thể”.
Ngày 6/5/1951 tại Hang Bòng thuộc xã Tân trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Ngân hàng Quốc gia Việt nam là cơ quan ngang Bộ, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia là thành viên Chính phủ. Tổng Giám đốc đầu tiên của ngành Ngân hàng là Cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng và Phó Tổng Giám đốc là đồng chí Lê Viết Lượng. Ngân hàng Quốc gia Việt Nam ban đầu có những nhiệm vụ chủ yếu là: Quản lý việc phát hành giấy bạc và tổ chức lưu thông tiền tệ; quản lý Kho bạc Nhà nước; huy động vốn và cho vay phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hoá; quản lý kim dung bằng biện pháp hành chính; quản lý ngoại hối và các khoản giao dịch bằng ngoại tệ và đấu tranh tiền tệ với địch. Ngân hàng Quốc gia Việt Nam ra đời thật sự là một bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển nền tiền tệ - ngân hàng của Việt Nam. Tuy nhiên từ ngày đầu thành lập, hệ thống Ngân hàng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách, bởi một nền kinh tế tiểu nông lạc hậu, tự cung, tự cấp, thị trường nhỏ bé, phân tán và bị chia cắt, chi phối bởi chiến tranh; ngân sách bội chi lớn, lạm phát gia tăng, nền kinh tế mất cân đối gay gắt. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ ngành Ngân hàng đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của mình, góp phần tích cực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau năm 1954, miền Bắc được giải phóng, tiến hành khôi phục kinh tế, chuyển sang thời kỳ quá độ lên CNXH. Hệ thống Ngân hàng trở thành công cụ đắc lực của Nhà nước dân chủ nhân dân trong việc tiếp quản vùng giải phóng, khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1960-1965) và phục vụ công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 21/01/1960 Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được đổi tên thành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để phù hợp với Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà 1959. Từ 1960 toàn Ngành đã có 221 Chi điếm Ngân hàng huyện, 41 Chi nhánh nghiệp vụ Ngân hàng quận, thị xã và các trung tâm kinh tế ở miền Bắc. Ngoài ra có trên 7.000 HTX tín dụng được thành lập và hoạt động trên địa bàn nông thôn.
Trải qua 2 cuộc chiến tranh khốc liệt với những nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng được Đảng giáo dục, rèn luyện cả hồng và chuyên, đội ngũ cán bộ Ngân hàng ngày càng được trưởng thành trên mọi lĩnh vực hoạt động, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và giải phòng miền Nam thống nhất đất nước, làm tốt nghĩa vụ Quốc tế với cách mạng Lào và Cămpuchia. Hàng trăm cán bộ Ngân hàng (trong đó có một số đồng chí Lãnh đạo) đã được Đảng điều vào Nam công tác, trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh trên mặt trận tiền tệ với địch và 104 cán bộ Ngân hàng đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Sau ngày đất nước thống nhất (1975) hệ thống tiền tệ Ngân hàng đã được áp dụng thống nhất trong cả nước. Nhưng do hậu quả của cuộc chiến tranh kéo dài, thiên tai liên tục, nền kinh tế lâm vào tình trạng suy thoái, lạm phát phi mã với 3 con số (năm 1986 lạm phát lên tới 774%) đã làm đình trệ sản xuất, đời sống của đại bộ phận dân cư gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục tình trạng đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều giải pháp trong lĩnh vực phân phối lưu thông (cải cách giá, tiền lương – tiền). Đặc biệt từ Đại hội VI của Đảng (họp năm 1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mang tính chiến lược, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước. Ngành ngân hàng thực hịên chương trình cải cách, chuyển dần từ tập trung bao cấp sang hạch toán kinh doanh XHCN.
Từ bước khởi đầu thành công theo NĐ 53 ngày 26/3/1988 của Chính phủ về tách hệ thống Ngân hàng thành Ngân hàng 2 cấp, ngày 24/5/1990 Nhà nước ban hành 2 Pháp lệnh Ngân hàng, đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống Ngân hàng Việt Nam. Theo Pháp lệnh, hệ thống Ngân hàng gồm 2 cấp: Ngân hàng Nhà nước làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng và là Ngân hàng Trung ương; Các Ngân hàng thương mại hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và dịch vụ ngân hàng. Sau một thời gian được thực tiễn kiểm nghiệm, 2 Pháp lệnh Ngân hàng đã được tổng kết lên thành 2 Luật Ngân hàng, được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 01/10/1998 (và đã được sửa đổi bổ sung lần thứ nhất vào năm 2003).
Trong suốt thời kỳ đổi mới (1986-2010), hệ thống Ngân hàng đã không ngừng phát triển cả về mạng lưới tổ chức và nội dung hoạt động. Đến nay trên cả nước đã có 5 NHTM Nhà nước; 36 NHTM cổ phần, 48 Chi nhánh NH nước ngoài, 05 Ngân hàng liên doanh, 48 Văn phòng Đại diện nước ngoài; 17 Công ty tài chính; 13 Công ty cho thuê Tài chính và trên 1000 QTDND cơ sở hoạt động rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Các nghiệp vụ ngân hàng đã trở nên đa dạng, phong phú và quy mô tăng lên nhanh chóng.
Trải qua nhiều thời kỳ, ngành Ngân hàng Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn và có hiệu quả trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Bên cạnh những đóng góp to lớn, hiệu quả đối với nền kinh tế, hàng năm ngành Ngân hàng là một trong những ngành đi đầu và thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ đối với Ngân sách Nhà nước (thông qua nộp các loại thuế và lợi nhuận). Bằng nguồn quỹ phúc lợi và sự đóng góp của cán bộ, CNV, người lao động, ngành Ngân hàng đã có nhiều đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội khác, như xây nhà tình nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ các quỹ từ thiện, khuyến học chăm sóc trẻ em, khắc phục hậu quả thiên tai, xoá đói giảm nghèo ...
Công tác quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng không ngừng được hoàn thiện. Việc điều hành chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước ngày càng đạt hiệu quả cao; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát theo từng thời kỳ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang làm tốt vai trò đại diện của Chính phủ tại các Tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu á (ADB), cũng như các tổ chức song phương và đa phương khác. Đồng thời góp phần quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trên mọi lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Trong những năm gần đây, hệ thống Ngân hàng Việt Nam (NHNN và các TCTD) đã có nhiều thành tích trong việc điều hành và thực thi các chính sách tiền tệ nhằm phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, từng bước nâng cao giá trị của đồng tiền Việt Nam.
Từ năm 2011 đến nay, Ngành Ngân hàng Việt Nam vừa tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần 2 Luật: Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các Tổ chức tín dụng (được Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII thông qua ngày 16/6/2010, có hiệu lực từ ngày 01/01/2011), vừa cùng với cả hệ thống chính trị nổ lực thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. (nói rõ nhiệm vụ nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020)
Phần thứ hai
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGÂN HÀNG HÀ TĨNH
Quá trình hình thành và phát triển của Ngân hàng Hà tĩnh:
Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL (ngày 6/5/1951 thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, ngày 12/5/1951 tại xóm Đông tri nội, xã Đức Lâm, huyện Đức thọ, Chi nhánh Ngân hàng Quốc gia tỉnh Hà Tĩnh được thành lập do đồng chí Phùng Văn Mại làm Trưởng Chi nhánh, với cơ cấu tổ chức gồm 3 phòng: Phòng nghiệp vụ, phòng kho quỹ, phòng Kế toán và 2 tổ công tác Thạch - Can - Kỳ. Năm 1952 thành lập Chi điếm Ngân hàng đầu tiên tại huyện Đức thọ. Năm 1953 Ngân hàng tỉnh chuyển về xã Đức An, sau về xã Đức Diên (Đức thọ). Thời kỳ này Ngân hàng thực hiện nhiệm vụ phát hành giấy bạc, kết hợp với tài chính và mậu dịch quốc doanh để quản lý lưu thông tiền tệ, đẩy mạnh hình thức tín dụng gián tiếp, cho vay qua tiểu thương để vận chuyển hàng hoá, cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông, lâm thuỷ sản, chủ yếu cho vay qua hộ nông dân và tư doanh, góp phần tích cực đẩy mạnh nền kinh tế địa phương, phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
- Sau hoà bình lập lại (7/1954) Ngân hàng Hà Tĩnh được chuyển về Thị xã Hà Tĩnh, chuyển nhiệm vụ từ cho vay gián tiếp sang cho vay trực tiếp hộ nông dân cá thể để mua trâu bò, nông cụ, phân bón, khai hoang phục hoá; cho vay khôi phục nghề cá; cho vay mậu dịch quốc doanh để thu mua nắm nguồn hàng; mở rộng lưu thông hàng hoá, góp phần ổn định giá cả; đến năm 1956 bắt đầu cho vay HTX mua bán. Cũng từ đây công tác thanh toán không dùng tiền mặt bắt đầu được mở rộng. Ngân hàng tổ chức nhiều bàn đổi tiền phục vụ bộ đội, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc.
- Thời kỳ cải tạo, phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH ở miền Bắc: Bên cạnh tập trung cho vay phục vụ phong trào hợp tác hoá, cho HTX nông nghiệp vay để công hữu hoá tư liệu sản xuất, mua trâu bò cày, nông cụ, phân giống để phát triển sản xuất, Ngân hàng tập trung mở rộng cho vay kinh tế quốc doanh, thông qua thực hiện cơ chế mới về tín dụng, với tỷ lệ tham gia khoảng 50% vốn lưu động của nền kinh tế, đã góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tài chính của hầu hết các ngành, các xí nghiệp trên địa bàn. Cũng trong thời kỳ này Ngân hàng thực hiện độc quyền quản lý kinh doanh vàng bạc trong phạm vi toàn tỉnh. Ngày 17/4/1956 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 739 về quy tắc tổ chức HTX tín dụng ở nông thôn. Trong vòng 7 năm (từ 1957 - 1964) Hà Tĩnh đã thành lập được 251 HTX TD với trên 112 nghìn xã viên. Cùng với hệ thống HTXTD, đến năm 1964 toàn tỉnh đã thành lập được 14 Quỹ tiết kiệm trung tâm, 399 bàn tiết kiệm, 1.500 tổ thu tiết kiệm. Với màng lưới rộng khắp đã tạo điều kiện cho Ngân hàng thu hút mọi nguồn tiền nhàn rỗi trong xã hội để đẩy mạnh cho vay phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống nhân dân, đấu tranh có hiệu quả với nạn cho vay nặng lãi.
- Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965-1975): Nằm trong vùng trọng điểm của chiến tranh phá hoại, cán bộ, CNV Ngân hàng là những chiến sỹ kiên cường, bám trụ địa bàn, vừa làm tốt nhiệm vụ chuyên môn (cung ứng vốn, tiền mặt và công cụ thanh toán) phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược: XD CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miến Nam.
- Thời kỳ sáp nhập tỉnh Nghệ Tỉnh (1976 – 1991):
Năm 1976 hai tỉnh Hà Tĩnh - Nghệ An hợp nhất thành tỉnh Nghệ Tĩnh, từ đó các Ngân hàng ở Hà Tĩnh chỉ là các Chi nhánh cơ sở trực thuộc Ngân hàng tỉnh Nghệ Tĩnh. Cũng như cả nước, tỉnh Nghệ Tĩnh chỉ có một hệ thống Ngân hàng Nhà nước duy nhất với 28 Chi nhánh huyện, thành phố, thị xã; 354 phòng giao dịch với tổng biên chế thời điểm cao nhất lên đến gần 2.800 cán bộ (Hà Tĩnh có 9 Chi nhánh huyện, thị xã và 15 phòng giao dịch). Trong thời kỳ này vai trò trung tâm tiền tệ tín dụng, thanh toán của Ngân hàng đối với nền kinh tế khá rõ nét. Ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn, tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt, phục vụ tích cực cho quá trình tài mở rộng sản xuất kinh doanh; phát triển nông nghiệp toàn diện, tăng cường các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Năm 1981 thực hiện Quyết định 259 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống Ngân hàng Kiến thiết (sau đổi tên thành Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng) từ ngành Tài chính được chuyển sang Ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ Tĩnh có thêm 27 Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng cơ sở trực thuộc Ngân hàng Nhà nước các huyện, thị xã (Hà Tĩnh có 9 cơ sở). Đến 1987 hệ thồng NH Đầu tư và Xây dựng thu gọn lại thành 6 Ngân hàng khu vực và Hội sở NHĐT&XD tỉnh (Hà Tĩnh có 2 Chi nhánh Khu vực: Thị xã Hà Tĩnh và khu vực Đức thọ). Đây là Ngân hàng chuyên cấp phát vốn XDCB, cho vay xây lắp và quản lý tiền tệ, thanh toán XDCB. Cũng trong năm 1981, Cửa hàng Vàng bạc Đá quý trực thuộc NHNN tỉnh được thành lập, sau đó chuyển thành Công ty Vàng bạc - Đá quý tỉnh, chuyên nhiệm vụ mua bán, gia công chế tác vàng bạc, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, góp phần ổn định giá vàng trên địa bàn (trong đó Hà Tĩnh có 2 cửa hàng ở Thị xã Hà Tĩnh và ở thị trấn Kỳ Anh trực thuộc Công ty Vàng bạc - Đá quý tỉnh)
Thực hiện Nghị định số 53/HĐBT ngày 26/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng, Từ tháng 10/1988 hệ thống Ngân hàng được hình thành 2 cấp: Ngân hàng Nhà nước làm chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ - tín dụng - dịch vụ ngân hàng; các Ngân hàng chuyên doanh tiến hành kinh doanh tín dụng và dịch vụ ngân hàng. Ngày 24/5/1990 Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước và Pháp lệnh các ngân hàng, HTX TD và công ty tài chính.
Theo tiến trình đó, từ tháng 10/1988 Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ Tĩnh được tách làm 2 hệ thống: Hệ thống NHNN gồm Chi nhánh NHNN tỉnh và 27 phòng đại diện tại các huyện và thị xã; Hệ thống các Ngân hàng chuyên doanh gồm: Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp (sau này đổi tên thành NHNo&PTNT); Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển. Trong đó tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ngoài 9 phòng đại diện NHNN (trực thuộc NHNN tỉnh Nghệ Tĩnh) còn có 9 Chi nhánh: Phát triển Nông nghiệp (trực thuộc NH Phát triển Nông nghiệp tỉnh Nghệ Tĩnh); 1 NH Công thương Thị xã Hà Tĩnh (trực thuộc NHCT Nghệ Tĩnh); 2 NH Đầu tư và Phát triển: Khu vực Thị xã Hà Tĩnh và khu vực Đức thọ (trực thuộc NHĐT&PT Nghệ Tĩnh); 2 cửa hàng vàng bạc: Thị xã Hà Tĩnh và Kỳ Anh (trực thuộc Công ty Vàng bạc - Đá quý tỉnh Nghệ Tĩnh); 1 HTX Tín dụng Cương Gián (là HTX TD duy nhất còn tồn tại và hoạt động của tỉnh Nghệ Tĩnh).
Từ 01/4/1990, khi hệ thống Kho bạc Nhà nước (trực thuộc Bộ Tài chính) được thành lập để quản lý quỹ Ngân sách nhà nước, các Phòng đại diện của NHNN kết thức hoạt động và bàn giao (cả bộ máy và nhiệm vụ) cho các Kho bạc Nhà nước huyện, thị xã. Thực hiện chủ trương trên, 9 Phòng đại diện của NHNN tại các huyện, thị xã của Hà Tĩnh được bàn giao sang Kho bạc Nhà nước tỉnh Nghệ Tĩnh.
Sau ngày tái lập tỉnh (9/1991): Hệ thống các Ngân hàng ở Hà Tĩnh được thành lập lại, bao gồm: Chi nhánh NHNN tỉnh; Chi nhánh NHNo&PTNT (gồm văn phòng tỉnh và 9 Chi nhánh huyện, thị); chi nhánh NHĐT&PT (Văn phòng tỉnh và 1 Chi nhánh tại thị xã Hồng lĩnh) và Công ty Vàng bạc Đá quý tỉnh (văn phòng Công ty và cửa hàng VB - ĐQ Kỳ Anh). (Chi nhánh NH Công thương thị xã Hà Tĩnh được sáp nhập vào hệ thống NHNo&PTNT)
Sau ngày tái lập tỉnh đến năm 2019 (từ 1991 đến 2019): Lần lượt các hệ thống NHTM tiếp tục được thành lập và đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, NHNN tỉnh quản lý 53 đầu mối: Ngân hàng nông nghiệp & PTNT chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh (chuyển đổi từ Ngân hàng No& Phát triển Nông nghiệp) với 01 Hội sở chính, 09 chi nhánh cấp 2 và 11 phòng giao dịch, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT chi nhánh Hà Tĩnh II (thành lập năm 2018 tách từ Chi nhánh NHo&PTNT tỉnh Hà Tĩnh) với 01 Hội sở chính, 06 Chi nhánh cấp 2 và 12 phòng giao dịch; Ngân hàng Đầu tư & PT Hà Tĩnh; NH Đầu tư &PT Kỳ Anh (thành lập năm 2015); NH phục vụ người nghèo (thành lập năm 1996) và chuyển thành NHCSXH tỉnh cuối năm 2003; Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh (thành lập năm 1994 - chuyển thành NHTMCP Ngoại thương năm 2007), NH Ngoại thương Xuân An (nâng cấp từ Chi nhánh phụ thuộc năm 2007 và chuyển thành NHTMCP Ngoại thương Bắc Hà Tĩnh năm 2011); NH Công thương Hà Tĩnh (thành lập cuối năm 2004, chuyển thành NHTMCP Công thương từ năm 2009); NHTM CP Việt Nam Thịnh vượng (thành lập năm 2008); NHTM CP Kỷ thương (thành lập năm 2008); NHTMCP Bắc Á (thành lập năm 2010), NHTM CP Đại Dương (thành lập năm 2010, sau chuyển thành NH thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương); NHTMCP Hàng Hải (thành lập năm 2011), NHTM CP Á Châu (thành lập năm 2011), NHTM CP Sài Gòn thương tín (thành lập năm 2013), NHTM CP Phát triển TP HCM (thành lập năm 2013), NHTM CP NHTM CP Quân Đội (thành lập năm 2014), NHTM CP Đông Nam Á (thành lập năm 2015), NHTM CP Bưu điện Liên Việt (thành lập năm 2017), NHTM CP Sài Gòn Hà Nội (thành lập năm 2017), NH Hợp tác xã (thành lập năm 2018) và 32 QTDND hoạt động tại 12 huyện, thị xã trong tỉnh, trong đó 22 QTDND liên phường, xã.
Những thành tựu cơ bản sau ngày tái lập tỉnh:
Đứng chân trên địa bàn của một tỉnh nghèo, kinh tế kém phát triển, nông nghiệp chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu GDP, lại nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt, thiên tai liên tiếp, nên đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Tình hình đó đòi hỏi ngành Ngân hàng ngay từ đầu phải nhanh chóng nhập cuộc để cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương chung ứng vốn và tiền mặt cho phát triển kinh tế xã hội và phục vụ đời sống nhân dân.
Vượt lên muôn vàn thử thách, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã sớm ổn định tổ chức bộ máy và cán bộ; kịp thời triển khai công tác quản lý Nhà nước và các mặt tiền tệ, tín dụng thanh toán và ngân hàng; đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn và các hoạt động dịch vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là các ngành nông nghiệp, công thương nghiệp, xây dựng và dịch vụ góp phần tích cực trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo và tạo ra diện mạo mới cho nông thôn Hà Tĩnh.
Sau ngày tái lập tỉnh, thực hiện chức năng “đi vay để cho vay” các TCTD trên địa bàn đã thường xuyên đẩy mạnh công tác huy động vốn với nhiều hình thức phong phú, đa dạng: Về huy động vốn, nguồn vốn huy động và quản lý toàn địa bàn tăng trưởng nhanh qua các giai đoạn: Cuối năm 2000 đạt 858.009 triệu đồng (tăng gấp 20,55 lần so năm 1991), cuối năm 2005 đạt 2.695.287 triệu đồng (tăng gấp 64,55 lần so năm 1991), cuối năm 2010 đạt 10.943.091 triệu đồng (tăng gấp 262,11 lần so năm 1991), cuối năm 2015 đạt 30.647.000 triệu đồng (tăng 734,06 lân so năm 1991) và cuối năm 2019 ước đạt 56.500.000 triệu đồng (tăng 1.353,29 lần so năm 1991). Về hoạt động cho vay, dư nợ cuối năm 2000 đạt 1.015.527 triệu đồng (tăng gấp 17,06 lần so năm 1991), cuối năm 2005 đạt 2.863.888 triệu đồng (tăng gấp 48,12 lần so năm 1991), cuối năm 2010 đạt 13.487.374 triệu đồng (tăng gấp 226,64 lần so năm 1991), cuối năm 2015 đạt 26.833.000 triệu đồng (tăng 450,90 lần so năm 1991) và cuối năm 2019 ước đạt 50.000 tỷ đồng (tăng 847,45 lần so năm 1991).
Thực hiện chương trình tái cơ cấu và hiện đại hoá Ngân hàng, đến nay hệ thống Ngân hàng và các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã có những bước phát triển nhanh và mở rộng về quy mô, chất lượng, an toàn và hiệu quả. Hoạt động thanh toán, chuyển tiền chính xác, an toàn và tốc độ nhanh, vừa đáp ứng tốt yêu cầu của nền kinh tế, vừa phục vụ việc điều hòa vốn trong hệ thống từng ngân hàng. Hệ thống máy ATM, máy POS được lắp đặt mở rộng ra nhiều địa bàn, nhiều điểm chấp nhận thẻ, chất lượng ngày càng tốt hơn. Các ngân hàng thường xuyên chuyển đổi, nâng cấp công nghệ giúp cho việc xử lý các giao dịch được nhanh chóng, hiệu quả. Các hình thức thanh toán chủ yếu như Thanh toán điện tử liên ngân hàng, Thanh toán từng lần, Thanh toán điện tử song phương và các hoạt động thanh toán khác như thanh toán qua thẻ ATM, POS, thanh toán qua Swift, thanh toán qua ngân hàng trực tuyến Internet-Banking, Mobile banking, QR code… đang phát triển mạnh và được đông đảo người dân sử dụng. Tính đến 31/12/2018, toàn tỉnh có 147 máy ATM được lắp đặt, trong đó 56 máy thành phố, 91 máy huyện thị, 100% huyện thị đã có được lắp đặt máy ATM; toàn tỉnh có 465 máy POS với 304 điểm chấp nhận thẻ đã kết nối liên thông với các TCTD trên địa bàn. Phần lớn các điểm chấp nhận thẻ được đặt tại khách sạn, nhà hàng, siêu thị và các điểm bán lẻ… và các phòng giao dịch của NHTM. Số lượng máy ATM, POS không ngừng tăng lên tạo điều kiện thuận cho việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh nói riêng.
Cùng với việc phát triển các mặt nghiệp vụ, đội ngũ cán bộ công nhân viên ngân hàng không ngừng phát triển cả về lượng và chất. Đến thời điểm cuối năm 2018, toàn hệ thống có 2.322 người, trong đó nam là 980 người (chiếm 42,20%) và nữ là 1342 người (chiếm 57,80%). Về trình độ chuyên môn: Từ đại học trở lên 1.808 người, chiếm 77,86%; Trình độ chính trị từ cao cấp trở lên là 40 người; Đảng viên 992 người. Các tổ chức Đảng trong các Ngân hàng liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh và trong sạch vững mạnh tiêu biểu; các tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên đạt danh hiệu xuất sắc. Bên cạnh công tác chuyên môn, các Ngân hàng trên địa bàn đã và đang đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, từ thiện như xây dựng nhà tình nghĩa, nuôi dưỡng bàn mẹ Việt nam Anh Hùng; quyên góp giúp đỡ hộ nghèo…đã được lãnh đạo địa phương đánh giá cao.
Với những thành tích đạt được, Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã có nhiều tập thể và cá nhân được Đảng, Nhà nước và ngành tặng nhiều Danh hiệu và hình thức thi đua cao quý:
Giai đoạn 10 năm (2000-2010)
Về thành tích chuyên môn: 9 Huân chương lao động hạng III; 26 lượt Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; 47 lượt Chiến sỹ thi đua ngành Ngân hàng; 7 lượt Cờ thi đua của Thống đốc; 16 lượt Cờ thi đua của UBND tỉnh; 199 lượt Bằng khen của Thống đốc; 584 lượt Bằng khen của UBND tỉnh; 436 lượt Chiến sỹ thi đua cơ sở.
Giai đoạn từ năm 2010-2018:
Về thành tích chuyên môn: gồm: 02 Huân chương Lao động Hạng Nhất; 01 Huân chương lao động Hạng III, 02 Huân chương lao động hạng Nhì, 20 lượt Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; 18 lượt Chiến sỹ thi đua ngành Ngân hàng; 02 Cờ thi đua của Chính phủ, 07 Cờ thi đua của Thống đốc, 04 cờ thi đua của UBND tỉnh; 20 lượt Bằng khen của Thống đốc; 291 lượt Bằng khen của UBND tỉnh; 288 lượt Chiến sỹ thi đua cơ sở.
Với bề dày truyền thống 67 năm và hành trang đã có, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đang nổ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, đoàn kết, sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn mới./.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh