1. Diễn biến thị trường tiền tệ.
- Các TCTD trên địa bàn nghiêm túc chấp hành các quy định về điều hành lãi suất của Thống đốc NHNN, không có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, vượt trần.
- Lãi suất huy động tối đa áp dụng đối với tiền gửi VND không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi VND có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,0%-4,5%/năm theo Văn bản số 1729/QĐ-NHNN ngày 30/9/2020 quy định về lãi suất tiền gửi; mức huy động VND bình quân 4,0%-6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; 5,6%-6,7%/năm đối với tiền gửi VND có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Lãi suất huy động USD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và dân cư.
- Lãi suất cho vay VND ngắn hạn phổ biến 4,5-9%/năm, trung dài hạn phổ biến 9-11%/năm; lãi suất cho vay VND ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến 4,5% năm theo chỉ đạo tại Văn bản số 1730/QĐ-NHNN ngày 30/9/2020 quy định về lãi suất tiền vay. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3,0-6,0%/năm.
- Công tác quản lý ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng được triển khai thực hiện nghiêm túc tại địa bàn. Các TCTD thực hiện nghiêm túc các quy định về niêm yết tỷ giá.
2. Kết quả thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến 30/6/2021.
- Lũy kế từ ngày 13/3/2020, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ là 785,86 tỷ đồng cho 915 khách hàng, trong đó thực hiện cơ cấu lại tổng giá trị nợ 200,08 tỷ đồng cho 843 khách hàng cá nhân; 550,57 tỷ đồng cho 68 doanh nghiệp; 35,22 tỷ đồng cho 4 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
- Thực hiện miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị là 236,85 tỷ đồng cho 251 khách hàng, số tiền lãi được miễn, giảm là 974 triệu đồng, trong đó miễn, giảm lãi tổng giá trị nợ 116,65 tỷ đồng cho 228 cá nhân; 99,82 tỷ đồng cho 22 doanh nghiệp; 20,38 tỷ đồng cho 01 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
- Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu với dư nợ 31.589,549 tỷ đồng, cho 77.444 khách hàng, số tiền lãi được hạ 78,36 tỷ đồng (mức lãi suất giảm từ 0,5% - 3,2%/năm).
- Cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước khi có dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến 30/6/2021 đạt 43.516,68 tỷ đồng. Dư nợ cho vay mới tại thời điểm 30/6/2021 đạt 6.860,50 tỷ đồng với 10.613 khách hàng còn dư nợ. Lãi suất cho vay mới thấp hơn trước khi có dịch từ 0,5% - 3,3%/năm.
- Tính đến thời điểm ngừng giải ngân (31/01/2021), Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện giải ngân cho 05 doanh nghiệp trên địa bàn để trả lương ngừng việc cho người lao động theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, quyết định 32/2020/QĐ-TTg với doanh số cho vay đạt 837 triệu đồng. Dư nợ đến 31/7/2021 đạt 837 triệu đồng. Thực hiện giải ngân cho 02 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg với doanh số cho vay đạt: 1.104 triệu đồng, dư nợ đạt 1.104 triệu đồng.
3. Công tác huy động vốn.
Tổng nguồn vốn huy động đến 30/6/2021 đạt 80.647 tỷ đồng, tăng 15,18% so với đầu năm, tăng 28,86% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguồn vốn huy động trên 12 tháng đạt 9.906 tỷ đồng, chiếm 12,28% tổng nguồn vốn huy động, tăng 11,69% so với đầu năm; tiền gửi tiết kiệm đạt 56.084 tỷ đồng, tăng 4,63%; tiền gửi thanh toán đạt 24.132 tỷ đồng, tăng 51,52% so với đầu năm. Nguồn vốn huy động tăng trưởng tốt qua các tháng.
Nguồn vốn huy động 6 tháng đầu năm 2021 của các TCTD trên địa bàn Hà Tĩnh
4. Cho vay nền kinh tế.
Dư nợ cho vay đến 30/6/2021 đạt 65.037 tỷ đồng, tăng 7,94% so với đầu năm, tăng 18,08% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 41.333 tỷ đồng (chiếm 62,55% tổng dư nợ), dư nợ trung dài hạn đạt 23.704 tỷ đồng (chiếm 36,45% tổng dư nợ). Trong 6 tháng đầu năm, dư nợ tăng trưởng tốt (trong đó có 4 tháng có tăng và 2 tháng giảm). Tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, trong đó tín dụng đối với cho vay nông nghiệp nông thôn tăng 7,19% so với đầu năm, cho vay thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu tăng 107,43% so với đầu năm.
Dư nợ cho vay 6 tháng đầu năm 2021 của các TCTS trên địa bàn Hà Tĩnh